Quảng Trường Ba Đình được biết là nơi Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng Hòa, một trong những địa điểm tổ chức nhiều sự kiện lớn quan trọng cấp quốc gia và là nơi đặt Lăng Bác Hồ kính yêu. Và bài viết này chúng mình sẽ Review Quảng trường Ba Đình để bạn có được thông tin hữu ích trước chuyến đi.
Review Quảng trường Ba Đình, Hà Nội
Quảng trường Ba Đình ở đâu?
Quảng trường Ba Đình không chỉ là một địa điểm lịch sử của Hà Nội nó còn là một trong những nơi thường xuyên diễn ra nhiều hoạt động văn hóa trọng đại của Việt Nam. Đây cũng là nơi đặt Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu nên quảng trường Ba Đình lại càng được người dân cả nước lưu tới nhiều hơn.
Quảng trường Ba Đình chứng kiến thời khắc lịch sử khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 và tuyên bố nền độc lập ở Việt nam sau nhiều thập kỷ bị Nhật Bản, Pháp đô hộ.
Quảng Trường Ba Đình nằm ở đâu? Quảng trường Ba Đình nằm trên đường Hùng Vương, Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội. Nơi đây mở cửa cho du khách tham quan từ 5h sáng đến 22h mỗi ngày. Đây là nơi bạn có thể cảm nhận không khí thoáng đãng ở giữa lòng thủ đô, cảm nhận được không gian lịch sử, văn hóa đậm đà của Việt Nam. Đây cũng là nơi mà người dân thủ đô lưu tới nhiều để đi dạo mát, tập thể dục hay đến đây để xem nghi thức thượng cờ và hạ cờ trong Lăng Bác từ xa.
Gần Quảng trường Ba Đình bạn có thể đến tham quan các địa điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội:
- Lăng Bác
- Cột Cờ Hà Nội
- Chùa Trấn Quốc
- Nhà Quốc Hội
- Bảo Tàng Hồ chí Minh
Quảng trường Ba Đình rộng bao nhiêu, có bao nhiêu ô cỏ?
Quảng Trường Ba Đình là một địa điểm du lịch ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung rất quan trọng, nơi đây có chiều dài khoảng 320m và chiều rộng khoảng 100m. Quảng trường chia làm 210 ô cỏ được cắt tỉa thường xuyên mang lại vẻ đẹp tự nhiên cho nơi đây. Điểm nổi bật nhất của Quảng trường Ba Đình chính là cột cờ cao 25m, nơi đây diễn ra lễ thượng cờ và hạ cờ vô cùng trang nghiêm, thể hiện lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc.
Hướng dẫn di chuyển tới quảng trường Ba Đình
Để đến Quảng trường Ba Đình các bạn có thể sử dụng xe máy, ô tô cá nhân để đi lại cho thuận tiện. Các bạn có thể thuê xe máy ở Hà Nội, sử dụng điện thoại nhập vào google maps Quảng trường Ba Đình là sẽ được chỉ đường ngắn nhất đến đây. Ở gần quảng trường có bãi đỗ xe nên bạn không phải lo lắng đâu nhé.
Ngoài phương tiện cá nhân, để tiết kiệm chi phí du lịch Hà Nội, các bạn có thể lựa chọn đi xe buýt Hà Nội nhé. Có một số tuyến xe buýt đi qua Quảng Trường Ba Đình bạn có thể tham khảo:
- Tuyến số 09A: Bờ Hồ – Đại học Mỏ
- Tuyến số 22A: Bến xe Gia Lâm – KĐT Trung Văn
- Tuyến số 34: Bến xe Gia Lâm – Bến xe Mỹ Đình.
- Tuyến số 41: Nam Thăng Long – Bến xe Giáp Bát
- Tuyến số 23: Nguyễn Công Trứ – Nguyễn Công Trứ
- Tuyến số 50: KĐt Vân Canh – Long Biên
- Tuyến số E05: Long Biên – Cầu Giấy – KĐT. Vinhomes Smart City
- Tuyến số E09: Khu Liên Cơ Quan Sở Ngành Hà Nội (Vườn Hoa Lạc Long Quân) – Smart City
Quảng trường Ba Đình do ai đặt tên?
Quảng trường Ba Đình từng là cổng phía tây kinh thành Thăng Long nổi tiếng với hoạt động buôn bán và nhiều làng nghề truyền thống. Đến đầu thế kỷ 20 dưới sự quản lý của thực dân Pháp, nơi đây được xây dựng và mang tên Rond Point Puginier, theo tên của một linh mục Pháp.
Ngoài ra, Quảng trường Ba Đình còn được biết đến tên gọi là Quảng Trường Hồng Bàng và quảng trường Độc Lập. Sau khi toàn quốc kháng chiến, Pháp chiếm lại Hà Nội đổi tên quảng trường thành Hồng Bàng. Sau đó khi Quân đội ta tiếp quản thủ đô, UBHC Hà Nội đã đề xuất đổi lại tên gọi Quảng trường Độc Lập nhưng Bác Hồ không đồng ý. Sau đó Người đã quyết định gọi đây là quảng trường Ba Đình.
Tên Quảng trường Ba Đình do bác sĩ Trần Văn Lai – người giữ chức Thị trưởng thành phố Hà Nội từ 20/7-19/8/1945 đặt. Lý do ông lấy tên này là do sự ngưỡng mộ của ông dành cho nghĩa quân Đinh Công Tráng chống lại thực dân Pháp tại căn cứ Ba Đình ở huyện Nga Sơn Thanh Hóa cuối thế kỷ 19.
Như vậy tên gọi và ý nghĩa của tên Quảng trường Ba Đình không chỉ được phản ánh lịch sử Việt Nam còn thể hiện sự tự hào và tinh thần chiến đấu của dân tộc.
Lịch sử của Quảng trường Ba Đình
Quảng trường Ba Đình có gì thú vị?
Review quảng trường Ba Đình đây là nơi có thảm thực vật bao quanh tạo không gian mát mẻ, thoáng đãng, thảm cỏ được cắt tỉa vuông vức. Những thảm cỏ không chỉ làm đẹp cho nơi đây mà còn có công dụng ít người biết tới. Trước kia nơi đây từng làm nơi tập diễu binh hàng ngày nên nắng nóng khiến cho nhiều chiến sĩ cảm thấy mệt mỏi. Và cỏ được trồng ở quảng trường có khả năng giảm bức xạ nhiệt từ mặt bê tông, ngoài ra nó còn có khả năng chịu đựng được sự giẫm đaoh và giữ màu xanh tươi tốt quanh năm tạo không gian xanh cho nơi đây.
Xem lễ hạ cờ ở quảng trường Ba Đình
Để xem lễ thượng cờ và hạ cờ ở Quảng trường Ba Đình các bạn có thể đến vào lúc 6h sáng và 21h tối hàng ngày, lịch không thay đổi theo các ngày trong tuần. Bất kể mưa nắng, điều kiện thời tiết xấu thì nghi lễ vẫn được diễn ra một cách trang trọng nhất.
Nghi lễ hạ cờ bao gồm 34 chiến sĩ thực hiện nghi lễ sẽ bước ra từ phía bên phải của lăng di chuyển theo điệu nhạc của ca khúc “bác đang cùng chúng cháu hành quân”. Khi lá cờ hạ xuống từ đỉnh sẽ có chiến sĩ gấp cờ nhanh chóng và chính xác. Sau đó di chuyển về phía sau lăng Bác, thực hiện nghi lễ chào cờ và kết thúc nghi lễ hạ cờ.
Đây không chỉ là nghi lễ truyền thống mà còn thể hiện lòng kính trọng và tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh một nhân vật quan trọng trong lịch sử Việt Nam.
Check-in với Quảng trường Ba Đình
Quảng trường Ba Đình không chỉ là nơi để bạn tham quan, thưởng ngoạn khung cảnh xung quanh mà còn là nơi có kiến trúc ấn tượng, luôn là bối cảnh đẹp để bạn có bức hình đẹp nhất với lăng Bác.
Chụp hình vào buổi sáng hoặc buổi chiều là thời điểm đẹp nhất để bạn chiêm ngưỡng bình minh hay hoàng hôn ở lăng Bác. Nhưng nếu được bạn nên đến vào thời điểm chiều tối khi đèn ở Quảng Trường bắt đầu được chiếu sáng, nơi đây chính là nơi người dân thủ đô đi dạo, trò chuyện cùng nhau, check-in những kỷ niệm đẹp ở đây.
Kết hợp viếng lăng BÁC HỒ
Đến quảng trường Ba Đình đừng quên vào thăm lăng Bác Hồ. Bạn có thể vào lăng Bác các ngày trong tuần trừ thứ 2 và thứ 6. Giờ mở cửa thay đổi theo mùa vì vậy nên kiểm tra trước khi đi đến đây. Ở đây miễn phí vé vào cổng đối với người dân Việt Nam còn khách quốc tế thì mất phí vào cổng là 25.000VND.
Lăng Bác được xây dựng theo kết cấu vững chắc có khả năng chịu đựng được bom đạn, động đất, lũ lụt. Bên ngoài lăng được ốp đá cùng dòng chữ “chủ tịch Hồ Chí Minh” màu đỏ nổi bật tạo sự trang trọng và ấn tượng.
Khu Nhà Sàn và ao cá Bác Hồ
Khu nhà sàn và ao cá trong Lăng Bác Hồ là nơi gắn liền với cuộc sống giản dị và thanh đạm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm cuối đời. Ngôi nhà sàn nhỏ bé, mộc mạc nằm giữa khuôn viên xanh mát, được bao quanh bởi những hàng cây cổ thụ, tạo nên không gian yên bình, tĩnh lặng. Ao cá nằm kế bên nhà sàn, là nơi Bác thường thả bộ, cho cá ăn và suy tư. Những khung cảnh này không chỉ phản ánh tình yêu thiên nhiên của Bác mà còn thể hiện sự gần gũi với nhân dân, thể hiện một cuộc sống khiêm nhường, giản dị nhưng đầy ý nghĩa. Đến thăm khu nhà sàn và ao cá, du khách có thể cảm nhận sâu sắc hơn về tâm hồn cao đẹp và phong cách sống giản dị của vị lãnh tụ vĩ đại.
Ghé thăm phủ Chủ Tịch
Phủ Chủ tịch nằm trong khu di tích Phủ Chủ tịch tại Hà Nội, là một công trình mang đậm dấu ấn lịch sử, nơi Hồ Chí Minh từng làm việc trong những năm tháng lãnh đạo đất nước. Được xây dựng vào thời Pháp thuộc với kiến trúc mang phong cách châu Âu, tòa nhà này nổi bật với vẻ đẹp cổ kính, trang nghiêm, cùng với các khu vườn rộng lớn bao quanh. Phủ Chủ tịch không chỉ là nơi diễn ra các cuộc họp quan trọng của lãnh đạo nhà nước mà còn là không gian ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng.
Đến thăm Phủ Chủ tịch, du khách có cơ hội hiểu thêm về một phần cuộc sống và công việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như cảm nhận rõ hơn về lịch sử của dân tộc trong những năm tháng kháng chiến gian khổ.
Ghé thăm bảo tàng Hồ Chí Minh
Bảo tàng Hồ Chí Minh, nằm gần Quảng trường Ba Đình, là một công trình văn hóa quan trọng nhằm tôn vinh và ghi nhớ cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kiến trúc của bảo tàng độc đáo với hình dáng tượng trưng cho một bông sen, biểu tượng cho sự thanh cao và tinh thần của Bác.
Bên trong bảo tàng, du khách có thể khám phá hàng nghìn hiện vật, tư liệu, hình ảnh và mô hình tái hiện lại các giai đoạn lịch sử quan trọng trong cuộc đời Hồ Chí Minh, từ thời niên thiếu, quá trình tìm đường cứu nước, đến những năm tháng lãnh đạo đất nước. Bảo tàng không chỉ là nơi trưng bày hiện vật mà còn là không gian giáo dục, giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về tư tưởng, đạo đức và phong cách sống của vị lãnh tụ kính yêu.
Lưu ý khi tham quan quảng trường Ba Đình
Những điều bạn cần lưu ý khi đến tham quảng trường Ba Đình:
- Không mất phí khi đến tham quan Quảng trường Ba Đình;
- Không ngồi lên cỏ, không vứt rác bừa bãi giữ gìn vẻ đẹp cho nơi đây.
- Nếu bạn đến đây vào thời điểm diễn ra các nghi lễ trong lăng Bác, bạn cần giữ trật tự, không la hét, tham gia nghi lễ hát Quốc ca, đó sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ đó.
- Nếu kết hợp tham quan Lăng Bác thì bạn cần phải ăn mặc trang trọng không mặc phản cảm.
- Trẻ dưới 3 tuổi không được vào lăng Bác.
Review Quảng trường Ba Đình trên đây hy vọng các bạn sẽ có những thông tin bổ ích trước chuyến đi chơi sắp tới. Đừng quên chia sẻ những cảm xúc của bạn trong chuyến hành trình ấy dưới phần bình luận nhé. Chúc các bạn có chuyến du lịch vui vẻ.